Khu Đề xuất BTTN Pù Hu

Tên khác:

Không có

Tỉnh:

Thanh Hóa

Diện tích:

35.089 ha

Tọa độ:

20°23' - 20°35' N, 104°44' - 105°01' E

Vùng sinh thái nông nghiệp:

Bắc Trung Bộ

Có quyết định của Chính phủ:

Chưa

Đã thành lập Ban Quản lý:

Đã được xây dựng kế hoạch đầu tư:

Đáp ứng các tiêu chí của VCF:

A, B, C

Đáp ứng các tiêu chí xã hội:

Không

Báo cáo đánh giá nhu cầu bảo tồn:

Không

Kế hoạch quản lý:

Không

Đánh giá công cụ theo dõi:

Không

Có bản đồ vùng:


Lịch sử hình thành

Pù Hu không có trong bất kỳ Quyết định nào có liên quan đến hệ thống Rừng đặc dụng Việt Nam. Tuy vậy, năm 1998, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng đã xây dựng dự án đầu tư cho khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên được đề xuất trong dự án đầu tư là 35.089 ha, trên địa phận hành chính của xã Xuân Hoa, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá (Anon. 1998a). Dự án đầu tư đã được Bộ NN&PTNT phê chuẩn theo Công văn số 557/BNN-KH, ngày 9/2/1999. Ngay sau đó, ngày 20/3/1999, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã phê duyệt dự án đầu tư theo Quyết định số 447/XD-UB.

Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập theo Quyết định số 741/QĐ-UB của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 24/04/1999 (Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hu, 2003). Ban quản lý hiện có 35 cán bộ, 5 trạm bảo vệ rừng và thuộc sự quản lý của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa (Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hu, 2003).

Pù Hu có trong danh lục các khu rừng đặc dụng Việt Nam đến năm 2010 được xây dựng bởi Cục Kiểm lâm - Bộ NN&PTNT với diện tích 35.089 ha (Cục Kiểm lâm, 2003), danh lục này hiện vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hu (2003), tổng diện tích của khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên là 27.503 ha trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 16.265 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 11.233 ha, khu hành chính, dịch vụ là 5 ha. Ngoài ra, diện tích vùng đệm của khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên là 51.100 ha.

Địa hình và thủy văn

Khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên Pù Hu là một khối núi nằm ở phía Tây của vành đai núi đá vôi chạy theo hướng Tây - Nam, từ khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tới Vườn Quốc gia Cúc Phương. Tuy nhiên, về mặt địa chất thì Pu Hu chủ yếu là vùng núi đất với thành phần đá mẹ phức tạp, bao gồm đá granite, riolite, sa thạch, phiến thạch, cuội kết, đá cát và đá vôi. Đỉnh cao nhất ở Pù Hu là núi Hoc (1.440 m) nằm ở phía Bắc khu bảo tồn. Phía Nam có một số đỉnh cao không có tên cao 1.390 m và 1.420 m. Về phía bắc, phía đông và phía nam của các đỉnh núi này độ cao giảm mạnh cho tới các thung lũng sông Mã và sông Luồng. Điểm thấp nhất trong khu bảo tồn dưới 50 m.

Khối núi Pù Hu bị chia cắt mạnh bởi các con suối trong khu vực. Các con suối nằm ở phía tây, phía bắc và phía đông của khu bảo tồn chảy vào sông Mã. Các con suối ở phía Nam khu bảo tồn chảy vào sông Luồng, sau đó chảy vào sông Mã là sông chính của vùng Bắc Trung Bộ. Lưu vực của sông này bao gồm diện tích phía bắc tỉnh Hủa Phan của Lào, và tỉnh Thanh Hoá.

Đa dạng sinh học

Khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên Pù Hu có 2 kiểu rừng chính. Rừng thường xanh đất thấp phân bố ở độ cao dưới 700 m, với các loài thực vật ưu thế thuộc họ Đậu Fabaceae, họ Xoan Meliaceae và họ Bồ hòn Sapindaceae. Ở những nơi có độ cao thấp hơn, kiểu rừng này đã bị tàn phá để lấy đất làm nương rẫy. Kiểu rừng thường xanh núi thấp phân bố ở độ cao trên 700 m, với các loài thực vật ưu thế của họ Dẻ Fagaceae, họ Dâu tằm Moraceae và họ Re Lauraceae (Anon. 1998a).

Theo Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hu (2003), có 508 loài thực vật và 266 loài động vật đã được ghi nhận tại khu vực. Theo dự án đầu tư, khu đề xuất bảo tồn có một số loài thú có giá trị bảo tồn như Gấu ngựa Ursus thibetanus, Gấu chó U. malayanus, Bò tót Bos gaurus và Vượn - có thể là loài Vượn đen má trắng Hylobates leucogenys (Anon. 1998a). Toàn bộ những thông tin này được thu thập từ các đợt khảo sát thực địa ở tỉnh Thanh Hoá năm 1997. Những số liệu từ các đợt khảo sát này là cơ sở cho việc quy hoạch các khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và Pù Luông.

Khu hệ chim ở Pù Hu chưa được khảo sát đầy đủ, mặc dầu vậy cũng đã ghi nhận được 1 loài chim có vùng phân bố hẹp là Trèo cây mỏ vàng Sitta solangiae (Theo Lê Trọng Trải, 2000).

Các vấn đề về bảo tồn

Theo Ban Quản lý Khu BTTN Pù-Hu (2003), 365 người đang sống bên trong khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên và sống 28.746 người trong khu vực vùng đệm. Dân cư trong khu vực gồm các dân tộc Thái, H'mông, Dao và Kinh. Chi cục Kiểm lâm Thanh Hoá (2000) cho biết mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học trong khu vực là phá rừng làm nương rẫy. Trong khu đề xuất bảo tồn có tới 5.647 ha đất canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, việc săn bắt, khai thác lâm sản trái phép, di dân tự do và lửa rừng cũng là các nhân tố đe dọa giá trị đa dạng trong vùng. Mối đe dọa cuối cùng có thể xẩy ra là cháy rừng do dùng lửa để đốt rừng làm nương rẫy.

Các giá trị khác

Pù Hu đóng vai trò quan trọng đối với việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã.

Các dự án có liên quan

Một số chương trình của Nhà nước hiện đang được triển khai tại vùng đệm của khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên Pù Hu như chương trình 135 và 661 (Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hu, 2003). Ngoài ra, dự án phát triển nông thôn hiện cũng đang được Tổ chức Tầm nhìn Thế Giới thực hiện tại vùng đệm của khu đề xuất bảo tồn.

Đánh giá nhu cầu bảo tồn

Nhu cầu bảo tồn chưa được đánh giá tại khu vực, mặc dù vậy, SNV và FFI đang có kế hoạch đánh giá nhu cầu bảo tồn vào nửa cuối năm 2004.

Kế hoạch quản lý

Kế hoạch quản lý chưa được xây dựng tại khu vực, tuy nhiên SNV và FFI đang có kế hoạch triển khai xây dựng vào nửa cuối năm 2004.

Sự phù hợp với các tiêu chí VCF

Pù Hu phù hợp để được nhận tài trợ VCF do đáp ứng được các tiêu chí A, B và C.

Tiêu chí

Sự phù hợp

AI

NA1 - Vùng đá vôi Bắc Đông Dương

AII

 

BI

Đề xuất rừng đặc dụng

BII

Bảo tồn thiên nhiên

BIII

Thuộc sự quản lý của UBND tỉnh

CI

Ban quản lý đã thành lập

CII

 

Thể hiện các nhu cầu xã hội

Chưa có báo cáo thể hiện nhu cầu xã hội.

Tiêu chí

Sự phù hợp

A

 

B

 

C

 

D

 

Tài liệu tham khảo

Anon. (1998a) "Investment plan for Pu Hu Nature Reserve, Thanh Hoa province". Hanoi: Forest Inventory and Planning Institute. In Vietnamese.

Anon. (1998b) "Summary of investment plan for Pu Hu Nature Reserve, Thanh Hoa province". Hanoi: Forest Inventory and Planning Institute. In Vietnamese.