Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
Lịch sử hình thành Kon Ka Kinh có tên trong danh sách các khu rừng đặc dụng Việt Nam theo Quyết định số 194/CT, ngày 09/8/1986, của Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng, là khu bảo tồn thiên với diện tích 28.000 ha nhằm "bảo tồn rừng á nhiệt đới núi cao với các loài hạt trần" (Cao Văn Sung, 1995). Năm 1999, Tổ chức BirdLife International và Viện Điều tra Quy hoạch Rừng (ĐTQHR) đã xây dựng dự án đầu tư thành lập khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Ka Kinh (Lê Trọng Trải et al. 2000). Dự án đầu tư đã được UBND Tỉnh Gia Lai và Bộ NN&PTNT thẩm định, phê duyệt. Cùng năm đó Ban quản lý của khu bảo tồn được thành lập. Năm 2002, Khu BTTN Kon Ka Kinh đã được chuyển hạng thành vườn quốc gia theo Quyết định số 167/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/11/2002 với diện tích là 41.780 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 23.064 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 18.646 ha và phân khu dịch vụ hành chính là 70 ha. Hiện tại, Ban quản lý VQG có 33 cán bộ, 3 trạm bảo vệ và thuộc sự quản lý của UBND tỉnh Gia Lai (Phạm Ngọc Bình, VQG Kon Ka Kinh, 2003). Kon Ka Kinh có trong danh lục các khu rừng đặc dụng Việt Nam đến năm 2010 được xây dựng bởi Cục Kiểm lâm - Bộ NN&PTNT với diện tích 41.780 ha (Cục Kiểm lâm, 2003), danh lục này hiện vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt. Ngày 17, 18/12/2003. Bộ Môi trường của các nước Đông Nam Á đã chỉnh sửa Tuyên bố Đông Nam Á về các khu di sản và công nhận 4 VQG của Việt Nam là khu di sản Đông Nam Á, trong đó có Kon Ka Kinh. Địa hình và thuỷ văn VQG Kon Ka Kinh thuộc địa bàn các xã Kon Pnê, Đăk Rông và Krông, huyện K’Bang, xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa và xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Kon Ka Kinh nằm trên Cao Nguyên Kon Tum, Tây Nguyên. Phía bắc của VQG độ cao tăng dần tới đỉnh núi Ngọc Linh, là đỉnh núi cao nhất Miền Nam và Tây Nguyên. Phía nam và tây địa hình bằng hơn, độ cao dưới 500 m. Độ cao trong phạm vi khu bảo tồn từ 570 m ở thung lũng Sông Ba đến đỉnh Kon Ka Kinh 1.748 m. Có nhiều đỉnh cao trên 1.500 m trong ranh giới Vườn Quốc gia. Phía nam trên đỉnh Kon Ka Kinh có địa hình cao nguyên khá bằng phẳng với diện tích khoảng 2.000 ha (Lê Trọng Trải et al. 2000). Kon Ka Kinh nằm trong vùng phân thuỷ của hai hệ thuỷ lớn: Phía đông VQG thuộc lưu vực Sông Ba, các con suối bắt nguồn ở phía đông của VQG đều chảy vào sông này, Sông Ba tiếp tục chảy trên địa phận tỉnh Gia Lai sau đó theo hưởng đông đổ ra Biển Đông ở Thị xã Tuy Hoà; Phía tây của VQG thuộc lưu vực Sông Mê Kông. Do địa hình núi cao, dốc nên sông và suối bắt nguồn từ VQG thường ngắn, hẹp, dòng chảy lớn, có nhiều thác ghềnh. Đa dạng sinh học VQG Kon Ka Kinh có 33.565 ha rừng tự nhiên, tương đương với 80% tổng diện tích. VQG hiện có các kiểu sinh cảnh rừng trên núi, trong đó đặc biệt quan trọng là 2.000 ha rừng hỗn giao giữa các loài cây lá rộng và lá kim trong đó có Pơ-mu Fokienia hodgisii (Lê Trọng Trải et al. 2000). VQG Kon Ka Kinh lưu giữ phần lớn các sinh cảnh và cảnh quan tự nhiên ở phía đông bắc tỉnh Gia Lai, giáp gianh với các tỉnh Bình Định, Kon Tum. Khu vực này có khả năng tồn tại các quần xã động thực vật nguyên sơ nhất tại vùng núi Trung Trường Sơn. Đáng kể phải tính đến sự có mặt của các loài thú đang bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu ở các cấp độ khác nhau như: Voọc vá chân xám Pygathrix cinerea, Vượn đen má hung Hylobates gabriellae và Hổ Đông Dương Panthera tigris (Lê Trọng Trải et al. 2000). Kon Ka Kinh nằm trong Vùng Chim Đặc hữu Cao nguyên Kon Tum, nơi ghi nhận 6 loài chim có vùng phân bố giới hạn (Lê Trọng Trải et al. 2000). Một trong số những loài này là Khướu Konkakinh Garrulax konkakinhensis, đây loài chim đặc hữu cho cao nguyên Kon Tum hiện đang bị đe dọa trên toàn cầu mức Sẽ nguy cấp - VU, loài chim quí hiếm này mới được phát hiện tại Kon Ka Kinh năm 1999 (Eames 2001). Kon Ka Kinh hiện được công nhận là một trong số 63 Vùng Chim Quan trọng tại Việt Nam (Tordoff 2002). VQG Kon Ka Kinh cũng là nơi có tầm quan trọng Quốc tế cho công tác bảo tồn các loài ếch nhái. Tại Kon Ka Kinh ghi nhận bốn loài ếch nhái đặc hữu cho vùng núi Trường Sơn: Leptobrachium banae, L. xanthospilum, Rana attigua và Rhacophorus baliogaster (IUCN-SSC and CI-CABS 2003). Các các vấn đề về bảo tồn Một phần diện tích quy hoạch cho khu bảo tồn Kon Ka Kinh trước đây do một số lâm trường quản lý như: lâm trường Đăk Rông, Krông Pa và Mang Yang I. Có khoảng 8.247 ha rừng chiếm 20% tổng diện tích VQG đã bị suy thoái do các hoạt động khai thác của lâm trường và khai thác trộm của người dân từ nhiều địa phương khác. Ngoài ra còn có 12.286 ha chiếm 29% diện tích rừng thứ sinh hình thành do khai thác gỗ thương mại hoặc canh tác nương rẫy (Lê Trọng Trải et al. 2000). Mặc dầu các lâm trường đã dừng các hoạt động khai thác gỗ trong phạm vi ranh giới của VQG, hiện khai thác tài nguyên rừng vẫn diễn ra ở mức không bền vững. Mối đe doạ ảnh hưởng lớn nhất đến bảo tồn là săn bắn và thu hái song mây. Khai thác gỗ bởi người dân địa phương diễn ra ở mức thấp, nghiêm trọng hơn đó là khai thác gỗ trộm bởi những người từ nơi khác đến (Lê Trọng Trải et al. 2000). Vùng đệm của VQG Kon Ka Kinh rộng lớn, có đất đai màu mỡ, mật độ dân số thấp, đã và đang hấp dẫn người dân di cư tự do từ các tỉnh phía bắc. Cụ thể trong hai năm 1997 và 1998, đã có 413 người di cư tới xã Lơ Ku, chiếm 17% tổng dân số hiện tại của xã. Di dân tự do là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất đe doạ tới VQG Kon Ka Kinh, do mật độ dân cư vùng đệm tăng lên sẽ kéo theo tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên rừng (Lê Trọng Trải et al. 2000). VQG Kon Ka Kinh cách Khu BTTN Kon Cha Răng 12 km về phía tây và liên kết với khu này bởi hành lang rừng tự nhiên. Cả hai khu vực liên kết với nhau tạo nên một vùng rừng tự nhiên có diện tích đủ lớn cho các loài thú lớn tồn tại và phát triển, chẳng hạn loài Hổ Panthers tigris sẽ khó tồn tại nếu hai khu trên bị tách rời nhau. Tuy nhiên, dải hành lang rừng này hiện đang do hai lâm trường Trạm Lập và Đăk Rông quản lý. Trong dự án đầu tư do BirdLife và Viện ĐTQHR xây dựng đã đề xuất cần thiết đưa diện tích rừng thuộc hành lang này vào ranh giới của hai khu bảo vệ và sáp nhập thành một khu bảo tồn duy nhất trong tương lai (Lê Trọng Trải et al. 1999). Đề xuất này cũng được nêu trong Chương trình Hành động Rừng Nhiệt đới (Bộ Lâm nghiệp 1991), Chương trình Hành động Đa dạng Sinh học Việt Nam (Chính phủ Việt Nam/GEF 1994) và trong báo cáo "Phân tích Hệ thống Rừng Đặc dụng Việt Nam và Đề xuất Mở rộng Phù hợp" của BirdLife/Viện ĐTQHR (Wege et al. 1999). Chỉ có 301 cư dân sinh sống bên trong ranh giới VQG, nhưng có tới 27.210 người sinh sống trong vùng đệm. Dân cư sinh sống ở đây gồm nhiều nhóm dân tộc bản xứ (chủ yếu là người Ba Na), đây là nhóm người có cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng (phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản và di cư đến các vùng đất thấp trồng cà phê và các cây công nghiệp). Trong những năm 1990, giá cà phê cao đã hấp dẫn số lượng lớn dân cư di dân tự do tới khu vực. Trong thời gian này, mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học tại Kon Ka Kinh là tình trạng khai thác gỗ lậu của lâm tặc, săn bắn của dân cư địa phương, phá rừng trồng cà phê chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Trong những năm gần đây, tình trạng khai thác gỗ lậu của lâm tặc, săn bắn của dân cư địa phương đã giảm do các nỗ lực quản lý, bảo vệ của các cơ quan chức năng, trong khi đó các hoạt động khai phá đất rừng trồng cà phê lại giảm do giá cà phê hạ nhanh chóng. Tuy nhiên, do tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cao, giá cà phê có khả năng phục hồi thì việc khai phá đất rừng trồng cà phê sẽ là mối đe dọa chính. Nếu mối đe dọa này không được kiểm soát chặt chẽ, trong tương lai sẽ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đa dạng sinh học của VQG Kon Ka Kinh và khu vực hành lang nối với Khu BTTN Kon Cha Răng. Các giá trị khác VQG Kon Ka Kinh đóng vai trò quan trọng trọng việc bảo vệ lưu vực đầu nguồn của các con sông lớn cung cấp nước tưới tiêu cho hàng ngàn ha cà phê, đất nông nghiệp và nước sinh hoạt của các huyện của tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Hơn thế nữa, phía tây của VQG là một phần lưu vực của thuỷ điện Yaly (Lê Trọng Trải et al. 2000). Nguồn tài nguyên thiên nhiên của VQG có vai trò quan trọng đối với cộng đồng là nguồn cung cấp gỗ củi, mật ong và song mây. Ngoài ra khu hệ thực vật có ít nhất 110 loài thực vật có thể làm thuốc. Sử dụng thực vật làm thuốc gia truyền phổ biến trong cộng đồng, tuy vậy, tiềm năng kinh tế của chúng còn chưa được xác định (Lê Trọng Trải et al. 2000). VQG Kon Ka Kinh có cảnh quan đẹp và hấp dẫn du lịch sinh thái, có tiềm năng nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên hiện tại giá trị tiềm năng về du lịch sinh thái trong vùng còn thấp, do khả năng tiếp cận vào vùng khó khăn và chưa có các điều khoản quy định về quản lý hoạt động du lịch (Lê Trọng Trải et al. 2000). Các dự án có liên quan Tổ chức BirdLife International và Uỷ Ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đang phát triển đề xuất dự án cỡ vừa do Quỹ Môi Trường Toàn Cầu (GEF) tài trợ ở VQG Kon Ka Kinh, Khu BTTN Kon Cha Răng và các lâm trường nằm giữa hai khu bảo vệ. Dự án này có thể sẽ bắt đầu triển khai vào đầu năm 2004. Các dự án phát triển nông thôn đang được triển khai trong vùng đệm có Chương trình Định canh Định cư, Chương trình Xoá đói Giảm nghèo, Chương trình 135 (Lê Trọng Trải et al. 2000). Đánh giá nhu cầu bảo tồn Nhu cầu bảo tồn đã được tiến hành đánh giá tại VQG Kon Ka Kinh vào tháng 12/2001 với sự tài trợ của Birdlife International. Dựa trên các đánh giá về giá trị đa dạng sinh học, các mối đe dọa trực tiếp và gián tiếp trong khu vực, đã có 6 hoạt động cần ưu tiên được vạch ra để phù hợp với tiêu chí tài trợ của VCF như: · Tăng cường năng lực cho ban quản lý VQG. · Tăng cường phối hết hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật có liên quan. · Nâng cao nhận thức. · Quản lý, bảo vệ trên cộng đồng. · Tăng cường thể chế trong các hợp đồng bảo vệ rừng. · Nghiên cứu các mức độ khai thác, sử dụng bền vững. Kế hoạch quản lý Khu vực chưa xây dựng được kế hoạch quản lý. Sự phù hợp với các tiêu chí VCF Kon Ka Kinh hiện phù hợp để được nhận tài trợ VCF do đáp ứng được các tiêu chí A, B và C.
Thể hiện các nhu cầu xã hội Chưa có báo cáo thể hiện nhu cầu xã hội.
Tài liệu tham khảo Eames, J. C. (2002) Eleven new sub-species of babbler (Passeriformes: Timaliinae) from Kon Tum province, Vietnam. Bull. Brit. Orn. Club 122(2): 109-141. Eames, J. C. and Eames, C. (2001) A new species of laughingthrush (Passeriformes: Garrulacinae) from the Central Highlands of Vietnam. Bull. B.O.C. 121(1): 10-23. Ha Van Tue, Do Huu Thu and Le Hong Tan (1995) "The possibility of natural regeneration and its development in the land after cultivation in Kon Ha Nung". Pp 156-162 in: Dang Huy Huynh, Nguyen Tien Ban, Vu Quang Con, Nguyen Thi Le, Pham Van Luc, Tran Dinh Ly, La Dinh Moi and Cao Van Sung eds. "Results of research by IEBR". Hanoi: Institute of Ecology and Biological Resources. In Vietnamese. IUCN-SSC and CI-CABS (2003) Global amphibian assessment. Gland: IUCN; and Washington DC: Conservation International. Le Trong Trai, Le Van Cham, Tran Quang Ngoc and Tran Hieu Minh (2000) "An investment plan for Kon Ka Kinh Nature Reserve, Gia Lai province: a contribution to the management plan". Hanoi: BirdLife International Vietnam Programme and the Forest Inventory and Planning Institute. In Vietnamese. Le Trong Trai, Le Van Cham, Tran Quang Ngoc and Tran Hieu Minh (2000) An investment plan for Kon Ka Kinh Nature Reserve, Gia Lai province: a contribution to the management plan. Hanoi: BirdLife International Vietnam Programme and the Forest Inventory and Planning Institute. Nhan Dan "The People" (2001) "A new species of laughingthrush discovered in the Central Highlands of Vietnam". Nhan Dan "The People" 25 June 2001. In Vietnamese. Tordoff, A. W. ed. (2002) Directory of important bird areas in Vietnam: key sites for conservation. Hanoi: BirdLife International in Indochina and the Institute of Ecology and Biological Resources. Tran Quang Ngoc (1999) "Biodiversity features of Kon Ka Kinh Nature Reserve, Gia Lai province". Lam Nghiep "Vietnam Forest Review" September 1999: 22-24. In Vietnamese. Vietnam News (2000) EC helps Vietnam establish three new nature reserves. Vietnam News 16 June 2000. Vietnam News (2002) Rare tree identified in Central Highlands. Vietnam News 9 March 2002. | ||||||||||||||||||||||||||||