Thông tin cơ sở


Giới thiệu

Chương này cung cấp các thông tin tổng quát về hệ thống các khu bảo vệ ở Việt Nam, khái quát các bước phát triển của hệ thống rừng đặc dụng từ khi Chính phủ ra quyết định thành lập khu rừng cấm đầu tiên là Cúc Phương vào năm 1962 đến mục tiêu cơ bản là mở rộng hệ thống rừng đặc dụng lên 2 triệu héc-ta vào năm 2010. Chương này cũng tóm lược khung pháp lý và thể chế đối với các khu bảo vệ đất ngập nước và biển. Cuối cùng, là tóm tắt các thay đổi chính về hệ thống khu bảo vệ trong vòng 3 năm qua kể từ khi Sách thông tin được xuất bản lần đầu tiên.

Giới thiệu về các khu bảo vệ

Năm 1978, Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đề xuất 10 loại khu bảo vệ. Năm 1992, Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 của IUCN về các Vườn Quốc Gia và Khu Bảo vệ ở Caracas, Venezuela đã định nghĩa khu bảo vệ như sau: "Khu bảo vệ là một khu vực trên đất liền hoặc trên biển được sử dụng đặc biệt để bảo vệ và duy trì tính đa dạng sinh học và các tài nguyên thiên nhiên hoặc kết hợp với nuôi trồng và được quản lý bằng các biện pháp hợp lý và có hiệu qua". Đến năm 1994, IUCN đề xuất 6 loại khu bảo vệ bao gồm:

(1)   Khu bảo vệ nghiêm ngặt hay khu hoang dã (Strict Nature Reserve/Wilderness Area).

(2)   Vườn Quốc gia (National Park)

(3)   Thắng cảnh Thiên nhiên (Nature Monument)

(4)   Khu bảo vệ loài / sinh cảnh (Habitat / Species Management Area)

(5)   Khu bảo vệ cảnh quan trên đất liền hay trên biển (Protected Landscape / Seascape)

(6)   Khu bảo vệ tài nguyên được quản lý (Managed Resource Protected Area)

Trước năm 1988, Việt Nam mới chỉ có các Khu Bảo vệ trong phạm vi lâm nghiệp (được gọi là Khu Rừng cấm, sau đó đổi thành Khu Rừng đặc dụng). Sau khi nước ta tham gia Công ước Ramsar (năm 1988) có thêm một loại hình khu bảo vệ nữa là Khu Ramsar. Năm 1995, "Kế hoạch hành động đa dạng sinh học Việt Nam" của Chính phủ đã chính thức đề cập đến một số loại Khu Bảo vệ khác. Đồng thời việc khảo sát, xây dựng và quản lý các khu bảo vệ cũng được mở rộng sang một số Bộ, Ngành ngoài lâm nghiệp. Theo Quyết định 192/2003/QĐ-TTg ngày 17/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến 2010 và Nghị định 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, trách nhiệm quản lý các khu bảo vệ của Việt Nam cũng đã được quy định như sau:

·         Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm quản lý các khu Rừng Đặc dụng.

·         Bộ Thuỷ Sản chịu trách nhiệm tổ chức quản lý các Khu Bảo tồn Biển.

·         Bộ Tài nguyên & Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước (Wetland Protected Area),

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng là cơ quan đầu mối của Nhà nước đối với các công ước quốc tế về môi trường và đa dạng sinh học, và do vậy có trách nhiệm với một số kiểu khu bảo vệ khác như Khu Dự trữ Sinh quyển và Khu Ramsar.

Hầu hết các Khu Bảo vệ hiện có và đề xuất mới của Việt Nam đều thuộc một trong hai phân hạng chính: các Khu Rừng Đặc dụng và các Khu Bảo vệ biển. Bảng 2 thống kê số lượng các Khu Bảo vệ đã có quyết định và các Khu đề xuất ở Việt Nam (sẽ được giới thiệu trong cuốn sách này). Trong đó các Khu Bảo vệ đất ngập nước đã được gộp trong hệ thống các khu Rừng Đặc dụng và Khu Bảo vệ biển. Tuy nhiên, hiện đang có các đề xuất tách riêng thành các Khu Bảo vệ đất ngập nước. Ngoài tổng số các khu nêu như trong bảng 2, khu Dự trữ Sinh Quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, cũng có phiếu mô tả trong Sách Thông tin này.

Bảng 2: Các khu bảo vệ đã được quyết định và đề xuất ở Việt Nam tính đến tháng 1-2004

Phân hạng

Quyết định

Đề xuất

Tổng

Rừng Đặc dụng

95

88

183

Khu Bảo tồn biển

0

24

24

Tổng số

95

112

207

Rừng đặc dụng

Rừng Đặc dụng là một loại Khu Bảo vệ do ngành Lâm nghiệp xây dựng và quản lý. Theo Điều 31 của Luật bảo vệ và phát triển rừng (1991) thì "Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen thực vật, động vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh, phục vụ nghỉ ngơi, du lịch... Rừng đặc dụng được phân thành các loại: Vườn Quốc gia, Khu rừng bảo tồn thiên nhiên, Khu rừng văn hoá xã hội, nghiên cứu thí nghiệm. Ranh giới của khu rừng đặc dụng phải được xác định bằng hệ thống biển báo, mốc kiên cố ".

Lịch sử hình thành và phát triển hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam

Ngày 07/7/1962, Chính phủ Việt Nam ra Quyết định thành lập Khu Rừng cấm Cúc Phương (Khu Bảo vệ đầu tiên, sau trở thành Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam) đến nay lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam đã trải qua hơn 40 năm và được chia làm 3 giai đoạn:

a. Giai đoạn từ 1960 đến 1974

Trong giai đoạn này ngành Lâm nghiệp đã phát hiện và đề xuất 49 Khu Rừng cấm ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên mới chỉ có một số ít khu được thành lập. Do đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh và những hạn chế về điều kiện kinh tế kỹ thuật nên việc xây dựng, quản lý và bảo vệ các khu nói trên không được tốt.

b. Giai đoạn từ 1975 đến 1986

Sau khi đất nước thống nhất, ngành Lâm nghiệp đã triển khai việc điều tra, phát hiện các khu bảo vệ trên cả nước đặc biệt ở các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Các đề án về hệ thống các khu rừng cấm đã lần lượt được đệ trình lên Bộ và Chính phủ.

Ngày 24/1/1977, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Số 41/TTg thành lập 10 Khu Rừng cấm, tổng diện tích 44.310 ha, gồm: Ba Bể, Đảo Ba Mùn, Ba Vì, Bắc Sơn (Mỏ Rẹ), Bán Đảo Sơn Trà, Đền Hùng, Pắc Bó, Rừng Thông Đà Lạt, Núi Tam Đảo và Tân Trào (Núi Hồng). Trong đó chỉ có 3 khu: Ba Vì, Đảo Ba Mùn và Núi Tam Đảo thuộc loại Bảo tồn thiên nhiên, các khu còn lại thuộc loại Văn hoá - Lịch sử.

Tiếp đó, nhiều khu rừng có giá trị bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học được phát hiện, tiếp tục trình Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định thành lập: Khu Rừng cấm Nam Bãi Cát Tiên (1978), Khu Bảo tồn Thiên nhiên Mom Ray-Ngọc Vin (1982), Vườn Quốc gia Côn Đảo (1984) và Vườn quốc gia Cát Bà (1986).

Ngày 9/8/1986 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 194/CT xác lập danh mục 73 Khu Rừng cấm trên toàn quốc với tổng diện tích là 769.512 ha, gồm 2 Vườn quốc gia (65.000 ha), 46 Khu Bảo tồn Thiên nhiên (629.661 ha) và 25 Khu Văn hoá- Lịch sử và Môi trường (74.851 ha).

Ngày 30/12/1986, Quy chế quản lý ba loại rừng (trong đó có rừng đặc dụng) được chính thức ban hành theo Quyết định số 1171/QĐ của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Theo Quy chế này Rừng cấm được đổi tên là Rừng đặc dụng và được chia làm 3 phân hạng: Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Khu Văn hoá- Lịch sử và Môi trường.

Hệ thống Rừng Đặc dụng Việt Nam ở giai đoạn này đã gồm nhiều khu đại diện cho các đai, đới khí hậu và các đơn vị địa lý sinh học khác nhau phân bố tương đối đồng đều trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

c. Giai đoạn từ 1987 đến nay

Trên cơ sở Quy chế quản lý thống nhất, sau năm 1990, một loạt các khu mới được Chính phủ quyết định thành lập như: Vườn quốc gia Yok Đôn, VQG Bạch Mã, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Ca (1991); Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Luận chứng Kinh tế kỹ thuật các Khu BTTN: Hữu Liên, Vồ Dơi, Đất Mũi, Bắc đảo Phú Quốc, Xuân Sơn (1992); Khu Bảo tồn Thiên nhiên U Minh Thượng (1993), Xuân Thuỷ, Xuân Nha, Tràm Chim, Cù Lao Chàm (1994); Khu BTTN Bà Nà-Núi Chúa, Pù Mát, Bù Gia Mập, Khe Rỗ, Tiền Hải, Bi doup-Núi Bà (1995), Tà Kou, Kẻ Gỗ (1996), Thạnh Phú, Rừng khô hạn Núi Chúa (1998), Phong Nha-Kẻ Bàng (2000), Khu BTTN Pù Huống, Núi Ông, Phong Điền, Tây Côn Lĩnh, Vân Long (2001), Lung Ngọc Hoàng, Chàng Riệc (2002). Trong các năm 2001 đến 2003, Chính phủ đã có nhiều quyết định chuyển hạng một số khu BTTN thành Vườn Quốc gia như Pù Mát, Phong Nha-Kẻ Bàng, U Minh Thượng, Phú Quốc, Xuân Sơn, Hoàng Liên, Lò Gò-Xa Mát, Chư Yang Sin, Vũ Quang, Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, Bù Gia Mập, Xuân Thuỷ và Mũi Cà Mau. Ngoài ra, còn có nhiều khu bảo vệ được thành lập do các quyết định của Bộ Lâm nghiệp, Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong giai đoạn này, việc xây dựng Rừng Đặc dụng được đẩy mạnh nhờ sự quan tâm của các ngành và các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, được sự cộng tác tích cực của các nhà khoa học trong nước cũng như sự hỗ trợ có hiệu quả về khoa học kỹ thuật và vật chất của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.

Song song với việc tiếp tục điều tra phát hiện thêm các khu mới, công tác xây dựng Luận chứng Kinh tế - Kỹ thuật (nay là Dự án đầu tư) cho các khu đã được công nhận cũng được đẩy mạnh nhằm nhanh chóng cụ thể hoá và tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ hệ thống Rừng Đặc dụng Việt Nam.

Công tác điều tra cơ bản cũng thu được nhiều thành tựu có ý nghĩa khoa học như việc phát hiện và mô tả mới một số loài thú lớn từ năm 1992 - 1996 bao gồm:

- Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), 1992

- Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), 1993

- Mang Trường sơn (Muntiacus truongsonensis), 1996

Một số loài chim, côn trùng và thực vật mới cho khoa học cũng được phát hiện trong giai đoạn này.

Việc phát hiện các loài trên đã chứng minh thêm giá trị đa dạng sinh học cao của khu hệ động vật và thực vật Việt Nam và đẩy mạnh hơn sự đầu tư của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ và phát triển hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.

Hệ thống các khu bảo vệ của Việt Nam vẫn đang phát triển cả về quy mô và tổ chức. Tuy nhiên mới chỉ có các khu trong hệ thống rừng đặc dụng (chủ yếu trên đất liền và một số rất ít các khu đất ngập nước và ven biển) có quyết định của Chính phủ, các Bộ hoặc Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và thành phố. Các Khu Bảo vệ ngoài lâm nghiệp (đất ngập nước và các khu bảo vệ biển) hiện chưa có quyết định.

Ngay từ cuối năm 1990, để tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam, Chính phủ và Bộ Lâm nghiệp (cũ) nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có chủ trương nâng tổng diện tích các khu Rừng Đặc dụng của Việt Nam lên khoảng 2 triệu ha.

Để thực hiện chủ trương này, trong hai năm 1997 và 1998, Bộ NN & PTNT đã giao cho Viện Điều tra Quy hoạch Rừng phối hợp với Cục Kiểm lâm thực hiện kế hoạch "Điều tra đánh giá và quy hoạch mở rộng hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam", tiếp đó hợp tác cùng Tổ chức BirdLife Quốc tế (BirdLife International) thực hiện dự án "Mở rộng hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam cho thế kỷ 21" do Liên minh Châu Âu tài trợ. Tiếp sau đó, Cục Kiểm lâm - Bộ NN&PTNT và WWF đã triển khai thực hiện dự án do Danida tài trợ có tên Cải thiện Quản lý các khu bảo vệ tại Việt Nam. Một trong các sản phẩm của dự án này là đã xây dựng được Chiến lược cho Hệ thống Khu Bảo vệ của Việt Nam.

Ngày 17/9/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 192/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quản lý Hệ thống khu Bảo tồn Thiên nhiên của Việt Nam đến năm 2010 theo đó quy định rõ mục tiêu, cách thức phát triển, các hoạt động chính và phân công trách nhiệm quản lý hệ thống khu bảo vệ của Việt Nam. Tiếp theo đó, trong năm 2003, danh sách các khu rừng đặc dụng cần được thiết lập đến năm 2010 đã được Cục Kiểm Lâm - Bộ NN&PTNT xây dựng và đệ trình Chính phủ (Cục Kiểm lâm 2003). Danh lục này có lồng ghép cả các kiến nghị từ Hội thảo tại Cúc Phương và các kiến nghị của các dự án do EU và Danida tài trợ. Nếu danh lục này được chuẩn y, số khu rừng đặc dụng tại Việt Nam sẽ là 121, bao gồm 27 vườn quốc gia, 57 khu bảo tồn tnh và 37 khu văn hóa lịch sử và có tổng diện tích là 2.518.339 ha (Cục Kiểm lâm 2003).

Hiện trạng hệ thống rừng đặc dụng

Sau Quy chế quản lý ba loại rừng (theo Quyết định Số 1171/QĐ của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp) hàng loạt các văn bản luật, quyết định, chỉ thị và công văn có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công tác quản lý Rừng Đặc dụng nói riêng và Khu Bảo vệ nói chung cũng được Nhà nước và ngành ban hành trong giai đoạn này (xem bảng 3).

Ngày 11/01/ 2001, Quy chế mới về quản lý Rừng Đặc dụng đã được ban hành theo Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Điều 6 của Quy chế này, Rừng Đặc dụng được chia thành ba Phân hạng: 'Vườn Quốc gia', 'Khu Bảo tồn Thiên nhiên' và 'Khu Văn hoá, Lịch sử và Môi trường (các khu bảo vệ cảnh quan)'. Khu Bảo tồn Thiên nhiên được chia thành hai Phân hạng phụ: ‘Khu Dự trữ Thiên nhiên’ và ‘Khu Bảo tồn loài/sinh cảnh’. Quy chế cũng giao trách nhiệm cho Bộ Văn hoá và Thông tin phối hợp với Bộ NN&PTNT thành lập và quản lý các Khu Văn hoá, Lịch sử và Môi trường.

Điều 8 của Quy chế nêu các mục tiêu cơ bản của vùng đệm để nhằm ‘ngăn chặn hoặc giảm nhẹ sự xâm phạm khu rừng đặc dụng’ và chỉ rõ rằng 'tất cả các hoạt động trong vùng đệm phải hỗ trợ cho công tác bảo tồn, quản lý và bảo vệ Rừng Đặc dụng. Hạn chế di dân từ bên ngoài vào vùng đệm, cấm săn bắn, bẫy bắt các loài động vật và chặt phá các loài thực vật hoang dã là đối tượng bảo vệ '.

Trách nhiệm quản lý chung đối với hệ thống rừng đặc dụng của quốc gia thuộc về Cục Kiểm lâm - Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, nhiều các cơ quan khác có liên quan đến việc quản lý các khu rừng đặc dụng ở cấp tỉnh, huyện, xã v.v... Công việc quản lý hàng ngày tại từng khu rừng đặc dụng do ban quản lý được thành lập để phục vụ mục đích này. Hiện nay có 106 khu rừng đặc dụng đã có Ban quản lý, trong số đó có 68 khu bảo tồn thiên nhiên trong số 95 khu đã được quyết định và toàn bộ 27 Vườn Quốc gia.

Chỉ có 8 Vườn Quốc gia trực thuộc Bộ NN&PTNT. Đó là: Ba Vì, Cúc Phương, Tam Đảo, Cát Bà, Bến En, Bạch Mã, YokDon và Cát Tiên. Các Vườn quốc gia khác và toàn bộ các khu Bảo tồn thiên nhiên, các khu Văn hoá, Lịch sử và Môi trường đều trực thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh và thành phố. Nhân viên của các ban quản lý thường được lấy từ các đơn vị kiểm lâm trong tỉnh, nhưng đôi khi cũng lấy từ các đơn vị khác, ví dụ như từ các lâm trường.

Bảng 3: Một số văn bản pháp quy của Chính phủ và Bộ liên quan đến quản lý bảo vệ Rừng Đặc dụng

Tên văn bản

Ngày

·   Quyết định số 72/TTg của Phủ Thủ tướng về khu Rừng cấm Cúc Phương

7/7/1962

·   Quyết định số 18/QĐ-LN của Tổng cục Lâm nghiệp về việc thành lập Ban Quản lý và xây dựng Vườn Quốc gia Cúc Phương.

8/1/1966

·   Quyết định số 41-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định các khu rừng cấm. (10 khu)

24/1/1977

·   Quyết định số 194-CT của Chủ tịch HĐBT về việc quy định các khu rừng cấm. (73 khu)

9/8/1986

·   Quyết định số 1171/QĐ của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp ban hành Quy chế quản lý ba loại rừng (Đặc dụng, Phòng hộ và Sản xuất).

3/12/1986

·   Luật bảo vệ và phát triển rừng

19/8/1991

·   Luật về môi trường

1993

·   Công văn số 1586/LN-KL của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp về quy định vùng đệm của VQG và Khu BTTN

13/7/1993

·   Luật Đất đai

14/7/1993

·   Công văn số 1259/LN-KL của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp về việc tăng cường quản lý, bảo vệ các khu rừng đặc dụng.

18/5/1995

·   Nghị định số 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

16/11/1999

·   Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý Rừng đặc dụng, Rừng phòng hộ và Rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

11/1/2001

·   Quyết định số 192/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam đến năm 2010

17/9/2003

·   Nghị định số 109/2003/NĐ-CP về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước

23/9/2003

·   Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

2/12/2003

Nguồn: Bộ NN&PTNT 1997-2003.

Các loại khu bảo vệ khác

Đất ngập nước

Đất ngập nước là một trong các hệ sinh thái dễ bị đe doạ ở Việt Nam. Hệ sinh thái đất ngập nước cũng là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật bị đe dọa quan trọng của Việt Nam, đơn cử, 20 trong số 40 loài chim của Việt Nam bị đe doạ ở mức độ toàn cầu là các loài phụ thuộc vào đất ngập nước. Ví dụ như Cò quắm cánh xanh (Pseudibis davisoni), Cò thìa (Platalea minor), Già đẫy nhỏ (Leptoptilos javanicus) và Ô Tác (Houbaropsis bengalensis)... (BirdLife International, 2001)

Năm 1994, Chính phủ đã ban hành chính sách khuyến khích khai thác và chuyển đổi đất nông nghiệp cho nhiều mục tiêu sử dụng khác. Đó là Quyết định số 773/TTg ngày 21/12/1994 của Thủ tướng Chính phủ về 'khai thác và sử dụng các vùng đất hoang hoá, vùng cửa sông, bãi bồi ven biển và mặt nước ở các vùng đồng bằng và lưu vực', chính sách này đồng thời cũng khuyến khích nhiều hoạt động chuyển đổi đất ngập nước thành đất nông nghiệp.

Trong một số Khu Rừng Đặc dụng, đất ngập nước đã được bảo vệ kết hợp với khu vực trên đất liền như: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Vườn Quốc gia Ba Bể, Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Thượng và các khu Bảo tồn Thiên nhiên Vồ Dơi, Thạnh Phú.

Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam (1995) đã xác định 68 Khu đất ngập nước quan trọng và gần đây Cục Môi trường thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi Trường (nay là Cục Bảo vệ Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đưa ra một danh sách bao gồm 79 khu Đất ngập nước có tầm quan trọng Quốc Gia (xem bảng 4). Trong danh lục này, 23 khu là các khu rừng đặc dụng đã có quyết định công nhận, 14 khu là các khu rừng đặc dụng đã được đề xuất và 7 khu đồng thời cũng là các khu đề xuất bảo tồn biển. Do sự chồng chéo giữa danh sách này với các hệ thống rừng đặc dụng và khu bảo tồn biển đang được xây dựng, vai trò của danh lục này với hệ thống các khu bảo vệ quốc gia sẽ được xây dựng trong tương lai là không rõ ràng.

Bảng 4: Các vùng đất ngập nước quan trọng c?a quốc gia

Tên khu

Tỉnh

D.tích (ha)

Tỉnh Đội

An Giang

1672

Trà Sư*

An Giang

939

Hồ Cấm Sơn*

Bắc Giang

2620

Sân Chim Bạc Liêu*

Bạc Liêu

132

Sân Chim Vàm Hồ

Bến Tre

5

Thạnh Phú*

Bến Tre

8000

Đầm Đề Gi

Bình Định

600

Đầm Thị Nại*

Bình Định

5000

Đầm Trà Ô

Bình Định

1600

Hồ Núi Một

Bình Định

1100

Hồ Biển Lạc*

Bình Thuận

2000

Bãi Bồi*

Cà Mau

8555

Đất Mũi*

Cà Mau

4388

Sân Chim Cà Mau*

Cà Mau

2

Sân Chim Đầm Dơi*

Cà Mau

132

Vồ Dơi*

Cà Mau

3724

Lung Ngọc Hoàng*

Cần Thơ

2777

Sân Chim Thới An

Cần Thơ

1.3

Hồ Ba Bể*

Bắc Kạn

450

Ea Ral*

Đắc Lắc

102

Hồ Lắc*

Đắc Lắc

12744

Nam Ca*

Đắc Lắc

1240

Trấp Ksơ*

Đắc Lắc

96

Hồ Trị An

Đồng Nai

32300

Nam Cát Tiên*

Đồng Nai

4300

Tràm Chim Tam Nông*

Đồng Tháp

7612

Ayun Hạ

Gia Lai

700

Biển Hồ*

Gia Lai

300

Hồ Tây

Hà Nội

526

Hồ Đồng Mô, Ngải Sơn

Hà Tây

900

Hồ Suối Hai

Hà Tây

1200

Hồ Kẻ Gỗ*

Hà Tĩnh

3000

Vực Nước An Dương

Hải Dương

10

Cửa Sông Thái Bình*

Hải Phòng

2000

Cửa Sông Văn Úc*

Hải Phòng

1500

Thuỷ Nguyên

Hải Phòng

1000

Cần Giờ*

Tp. HCM

2215

Hồ Hoà Bình*

Hoà Bình

72800

Hà Tiên*

Kiên Giang

10000

Kiên Lương*

Kiên Giang

4000

U Minh Thượng*

Kiên Giang

21000

Hồ Ia-ly

Kon Tum

6450

Đa Nhim

Lâm Đồng

900

Đa The

Lâm Đồng

500

Đan Ki A

Lâm Đồng

300

Tuyền Lâm

Lâm Đồng

200

Láng Sen*

Long An

3844

Xuân Thuỷ*

Nam Định

12000

Vùng ven biển Nghĩa Hưng*

Nam Định

9000

Vân Long*

Ninh Bình

3500

Đầm Nai*

Ninh Thuận

700

Đầm Chính Công

Phú Thọ

500

Cửa Sông Ba

Phú Yên

1000

Đầm Ô Loan*

Phú Yên

1570

Hồ Cù Mông*

Phú Yên

3000

Hồ Sông Hinh

Phú Yên

4100

Vũng Rô*

Phú Yên

-

Vũng Trào

Phú Yên

5000

Động Phong Nha*

Quảng Bình

41132

Hồ Cấm Khanh

Quảng Bình

8590

Hồ Phú Ninh*

Quảng Nam

3600

Hồ Thạch Nham

Quảng Ngãi

3600

Cửa Sông Tiên Yên

Quảng Ninh

5000

Dầu Tiếng

Tây Ninh

5000

Tiền Hải*

Thái Bình

12500

Vùng ven biển Thái Thuỵ*

Thái Bình

13100

Hồ Núi Cốc*

Thái Nguyên

2600

Hồ Bến En (Sông Mực)*

Thanh Hóa

3000

Hồ Yên Mỹ

Thanh Hóa

95

Đầm Cầu Hai*

TT Huế

12000

Phá Tam Giang*

TT Huế

8000

Duyên Hải

Trà Vinh

2000

Sân Chim Chùa Hang

Trà Vinh

-

Sân Chim Trà Cú

Trà Vinh

2

Đầm Vạc

Vĩnh Phúc

250

Hồ Chính Công

Vĩnh Phúc

400

Hồ Chử

Vĩnh Phúc

300

Hồ Thác Bà*

Yên Bái

19000

Bầu Xen

chưa rõ

200

Nguồn: Cục Môi trường, Bộ KHCN&MT năm 2000

Ghi chú: * Khu có phiếu thông tin trong tài liệu này

Gần đây nhất, ngày 23/9/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2003/NĐ-CP về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước. Trong đó quy định các hoạt động bị nghiêm cấm và các hoạt động được khuyến khích tại các vùng đất ngập nước. Đồng thời Nghị định cũng đã xác định đường hướng phát triển của các vùng đất ngập nước của Việt Nam và quy định rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) là cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành nghị định. Đây là lần đầu tiên các vùng đất ngập nước được công nhận chính thức là một dạng sử dụng đất và là một hạng mục quản lý bảo tồn. Tuy nhiên, đến nay, các đề xuất thiết kế một hệ thống các khu bảo vệ đất ngập nước quốc gia vẫn chưa được thực hiện.

Dựa trên Nghị định trên của Chính phủ, Bộ TNMT sẽ xây dựng Kế hoạch Hành động Chiến lược về Bảo tồn và Sử dụng Bền vững Đất Ngập nước đến năm 2010. Đây sẽ là tài liệu hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu trong việc bảo tồn và sử dụng đất ngập nước.

Khu Bảo vệ Biển

Đa Dạng Sinh học Biển của Việt Nam

Với khoảng 3.260 km bờ biển (không kể bờ biển của các đảo), nguồn tài nguyên biển và bờ biển là một tài sản quan trọng của Việt Nam. Tính đa dạng tài nguyên thiên nhiên biển đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của Việt Nam thông qua việc cung cấp thuỷ hải sản (cá, các loài động vật không xương sống, rong biển, san hô v.v...), năng lượng (dầu và khí đốt), các vật liệu thô (các nguồn khoáng). Ngoài ra, hệ sinh thái biển còn có chức năng ngăn ngừa bão và phục vụ vui chơi giải trí (Chính phủ CHXHCN Việt Nam/GEF 1994, ADB 1999).

Các thông tin về đa dạng sinh học biển hiện chưa được biết đầy đủ, cho tới nay đã ghi nhận 11.000 loài sinh vật ở biển và ven biển (Nguyễn Chu Hồi et al. 2000). Tính đa dạng của các loài đã biết tăng lên từ Bắc vào Nam, sự phong phú của các loài cá ở vùng biển gần bờ cao hơn các rạn san hô xa bờ (Chou, 2000). Tính đa dạng của san hô cứng của Việt Nam đã biết với 350 loài, so với số loài san hô cứng của In-đô-nê-xia 450 loài và Phi-líp-pin là 400 loài (Chou, 2000). Ngoài ra, nhiều loài rùa biển đang sử dụng vùng bờ biển của Việt Nam làm nơi đẻ trứng truyền thống (ADB, 1999).

Khu bảo vệ biển hiện nay

Hiện nay, tình trạng quản lý và tổ chức các khu bảo vệ biển ở Việt Nam chưa rõ ràng (ADB 1999, Azimi et al. 2000). Hiện trạng thể chế không rõ ràng này là do sự chồng chéo quản lý giữa nhiều bộ ngành như Bộ TS, Bộ TNMT, Bộ NN&PTNT (NEA/IUCN 2000). Vì vậy, tất cả các khu bảo vệ biển trong sách thông tin này đều là các khu bảo vệ biển đề xuất, mặc dù một mô hình đã được thành lập tại Hòn Mun, với sự hỗ trợ của Dự án Thử nghiệm Khu Bảo tồn Biển Việt Nam do Ngân hàng Thế giới/GEF/Danida tài trợ.

Trong vài năm gần đây, các nỗ lực xây dựng một cơ sở pháp lý và thể chế cho việc thành lập và quản lý các khu bảo tồn biển đã thu được một số kết quả ban đầu. Viện Hải dương học Hải Phòng, theo yêu cầu của Cục Môi trường, Bộ KHCNMT (cũ), đã soạn thảo một danh lục đề xuất một hệ thống quốc gia bao gồm 16 khu bảo tồn biển (Nguyễn Chu Hồi et al. 1998). Trên cơ sở của tài liệu này, Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu thành lập 15 khu bảo tồn biển vào năm 2010 (MOSTE/NEA 2000). Bảng 5 liệt kê các khu bảo tồn biển đã được đề xuất tính đến thời điểm hiện tại bởi Viện Hải dương học Hải Phòng (Nguyễn Huy Yết và Võ Sĩ Tuấn, 1995), Bộ KHCNMT cũ (Nguyễn Chu Hồi et al. 1998) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB, 1999).

Bảng 5: Các khu Bảo vệ Biển Đề xuất ở Việt Nam

Khu

Tỉnh

Nguồn

1

2

3

Ba Mùn

Quảng Ninh

   

Ö

Sân Chim Bạc Liêu

Bạc Liêu

   

Ö

Bãi Bồi

Cà Mau

   

Ö

Bán Đảo Sơn Trà

Tp. Đà Nẵng

   

Ö

Bình Châu-Phước Bửu

Bà Rịa-V.Tàu

   

Ö

Các đảo Vịnh Hạ Long

Quảng Ninh

Ö

 

Ö

Cần Giờ

Tp.HCM

   

Ö

Côn Đảo

Bà Rịa-V.Tàu

Ö

Ö

Ö

Cù Lao Chàm

Quảng Nam

Ö

Ö

Ö

Cù Mông

Phú Yên

   

Ö

Đầm Dơi

Cà Mau

   

Ö

Đất Mũi

Cà Mau

   

Ö

Đảo Bạch Long Vĩ

Hải Phòng

Ö

Ö

Ö

Đảo Cát Bà

Hải Phòng

Ö

Ö

Ö

Đảo Cô Tô

Quảng Ninh

Ö

Ö

Ö

Đảo Cồn Cỏ

Quảng Trị

Ö

Ö

Ö

Đảo Lý Sơn

Quảng Ngãi

Ö

Ö

Ö

Đảo Phú Quý

Bình Thuận

Ö

Ö

Ö

Đảo Trần

Quảng Ninh

 

Ö

Ö

Đèo Cả-Hòn Nưa

Phú Yên

   

Ö

Hải Vân-Sơn Trà

T.T. Huế và Đà Nẵng

 

Ö

Ö

Hòn Cau-Vĩnh Hảo

Bình Thuận

Ö

Ö

Ö

Hòn Mê

Thanh Hoá

 

Ö

Ö

Hòn Mun

Khánh Hoà

Ö

Ö

Ö

Nai

Ninh Thuận

   

Ö

Nam Du

Kiên Giang

Ö

 

Ö

Nha Phú-Hòn Heo

Khánh Hoà

   

Ö

Ô Loan

Phú Yên

   

Ö

Phú Quốc

Kiên Giang

Ö

Ö

Ö

Quy Nhơn

Bình Định

   

Ö

Tam Giang-Cầu Hai

T.T. - Huế

 

Ö

Ö

Thái Thuỵ

Thái Bình

   

Ö

Thạnh Phú

Bến Tre

   

Ö

Thọ Chu

Kiên Giang

Ö

 

Ö

Thuỷ Triều

Khánh Hoà

   

Ö

Tiền Hải

Thái Bình

   

Ö

Trường Sa

Khánh Hoà

 

Ö

 

U Minh Thượng

Kiên Giang

   

Ö

Vồ Dơi

Cà Mau

   

Ö

Xuân Thuỷ

Nam Định

   

Ö

Nguồn:

(1) = Nguyễn Huy Yết và Võ Sĩ Tuấn (1995)

(2) = Nguyễn Chu Hồi et al. eds. (1998)

(3) = Ngân hàng phát triển Châu Á (1999)

Trách nhiệm thể chế về quản lý tài nguyên biển

Tình trạng pháp lý và thể chế của các khu bảo tồn biển hiện vẫn đang được thảo luận. Vấn đề chính của các thảo luận này vẫn xoay quanh việc phân cấp quản lý giữa các ban ngành từ trung ương đến địa phương (Nguyễn Chu Hồi, 2000). Có lẽ Bộ TS sẽ chịu trách nhiệm chung về quản lý hệ thống các khu bảo tồn biển, đối với các khu có cả phần biển và phần đất liền thì trách nhiệm quản lý sẽ chia sẻ giữa Bộ NN&PTNT và Bộ TS. Trong tương lai gần, hiện trạng này có lẽ sẽ chưa thể thay đổi. Quy chế quản lý đối với hệ thống các khu bảo tồn biển cũng đang được thảo luận, có lẽ quy chế này sẽ rất chung chung và linh động nhằm giúp cho quy chế có thể áp dụng một cách phù hợp với từng yêu cầu quản lý và vùng địa lý riêng biệt.

Các công ước quốc tế

Có một số khu bảo vệ đã được thành lập theo các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trong số này có khu cũng đã được quyết định hoặc đang đề xuất công nhận trong hệ thống các khu bảo vệ của quốc gia.

Khu Ramsar

Việt Nam trở thành thành viên tham gia ký kết Công ước về Các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (thường gọi là Công ước Ramsar) ngày 20/1/1989. Công ước có mục tiêu tăng cường bảo vệ và sử dụng khôn khéo đất ngập nước và nguồn lợi của chúng. Có 138 thành viên tham gia ký công ước, với tổng số 1.314 khu đất ngập nước, tổng số khoảng 111 triệu hecta đã được công nhận trong Danh sách các khu Đất ngập nước có tầm quan trọng Quốc tế theo Công ước Ramsar.

Ngày 20/9/1988, Văn phòng Công ước Ramsar đã công nhận Xuân Thuỷ là Khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và cho đến nay đây cũng vẫn là Khu Ramsar duy nhất ở nước ta. Một số khu đất ngập nước khác đang được đề xuất thêm là Vườn Quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), Khu Bảo vệ đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế), Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Khu BTTN Thái Thụy và Tiền Hải (tỉnh Thái Bình v.v...).

Khu Di sản Thế giới

Mục tiêu của Công ước liên quan đến bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới (thường được gọi tắt là Công ước Di sản thế giới) nhằm bảo vệ các giá trị văn hoá và thiên nhiên theo yêu cầu của Công ước. Đây là thoả thuận quốc tế đã được thông qua bởi Hội nghị toàn thể của UNESCO vào năm 1972. Uỷ Ban Công ước và Di sản thế giới hoạt động để đảm bảo những giá trị nổi tiếng của các khu đã liệt kê được bảo vệ cho cả nhân loại và đảm bảo việc bảo vệ chúng thông qua hợp tác chặt chẽ hơn trong các quốc gia.

Quốc hội CHXHCN Việt nam đã phê chuẩn Công ước và Chính phủ đã chấp nhận giữ gìn và duy trì chúng. Hiện tại có 5 khu Di sản thế giới ở Việt Nam là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Quần thể Di tích Huế (Thừa thiên Huế), Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), trong đó chỉ có Vịnh Hạ Long và Phong Nha-Kẻ Bàng là Khu Di sản thiên nhiên. Một phần của các khu Phong Nha-Kẻ Bàng và Vịnh Hạ Long đã được quyết định là khu bảo vệ của quốc gia.

Khu dự trữ Sinh quyển

Khu Dự trữ sinh quyển được thành lập trong khuôn khổ Chương trình thế giới về con người và sinh quyển của UNESCO. Mục đích của các khu Dự trữ sinh quyển là ngoài việc bảo vệ các hệ sinh thái và các loài, còn phải duy trì được sự cân bằng của các hoạt động xã hội, kinh tế và môi trường văn hoá của các cộng đồng địa phương sống trong đó. Ngày 21/01/2000, Cần Giờ (gần thành phố Hồ Chí Minh) đã được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam, Tiếp đó VQG Cát Tiên và Đảo Cát Bà lần lượt được công nhận là các khu Dự trữ Sinh quyển thứ 2 và 3 của Việt Nam vào các năm 2002 và 2003.

Các thay đổi trong 3 năm qua

Trong 3 năm kể từ khi bản Sách Thông tin đầu tiên được xuất bản, hệ thống các khu bảo vệ của Việt Nam đã trải qua rất nhiều thay đổi. Phần này khái quát các thay đổi nói trên như một đánh giá nhanh tiến trình trong giai đoạn 3 năm vừa qua.

Một trong các thay đổi chính đối với hệ thống rừng đặc dụng quốc gia là số vườn quốc gia đã tăng từ 11 lên 27 vườn. Trong số này, một số là chuyển hạng quản lý và một số là mở rộng đối với hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên trước đây. Tất cả các vườn quốc gia mới đều trực thuộc sự quản lý của các tỉnh có liên quan. Ngoài ra, trong số 11 vườn quốc gia trước đây, Ba Bể cũng được Bộ NN&PTNT chuyển giao trách nhiệm quản lý cho UBND tỉnh Bắc Kạn.

Trong ba năm qua, chỉ có một khu rừng đặc dụng mới được quyết định là Lung Ngọc Hoàng. Một thay đổi khác làm tăng số lượng các khu được quyết định là Yên Tử, từ một khu trước đây đã được tách thành hai khu riêng lẻ trong lần tái bản này.

Ngoài các thay đổi về số lượng và tình trạng của các khu đã có quyết định, có rất nhiều thay đổi về mặt diện tích của các khu. Đáng chú ý nhất trong các thay đổi về diện tích là Vườn Quốc gia Yok Đôn từ 58.200 ha lên 115.545 ha, và việc sát nhập vùng núi đá vôi Kẻ Bàng vào Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vừa được thành lập đã tăng diện tích của khu bảo vệ này từ 41.132 ha lên 85.754 ha.

Các thay đổi quan trọng khác đối với hệ thống rừng đặc dụng quốc gia là quá trình xây dựng đề xuất thành lập các khu rừng đặc dụng mới. Lần tái bản này có thông tin thêm về 24 khu mới đề xuất so với các khu trong bản đầu tiên. Hầu hết các khu được Chi cục Kiểm lâm của các tỉnh đề xuất trong vòng 3 năm qua, có một số đã được đề xuất trước đó nhưng bị bỏ sót trong lần xuất bản đầu tiên của Sách Thông tin. Trong số các khu này, ít nhất 8 khu đã thành lập được Ban quản lý.

Một danh lục các khu rừng đặc dụng cần được thành lập tới năm 2010 đã được Cục Kiểm lâm, Bộ NN&PTNT xây dựng (FPD 2003). Danh lục này gồm 121 khu rừng đặc dụng, trong đó có 33 khu chưa từng được công nhận trong các quyết định trước đây. Tuy nhiên, rất nhiều khu đề xuất không được liệt kê trong danh lục này, trong đó có 16 khu đã có Ban quản lý và một số khu có ý nghĩa đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu như các khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên Sao La và Ngọc Linh (Quảng Nam). Do đó, cần có một số chỉnh sửa thêm nữa trước khi trình danh lục này lên để Chính phủ phê chuẩn.

Các bước phát triển chính liên quan đến hệ thống các khu bảo vệ đất ngập nước là việc thành lập Bộ TNMT, đây là cơ quan bộ mới chịu trách nhiệm về xây dựng hệ thống khu bảo vệ đất ngập nước quốc gia và giám sát thi hành Quyết định 109/CP của Thủ tướng Chính phủ, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xúc tiến quản lý bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam.

Đối với hệ thống các khu bảo tồn biển, bước phát triển chính là việc thành lập khu bảo tồn biển thử nghiệm đầu tiên của Việt Nam tại Hòn Mun và việc xây dựng dự án Hỗ trợ Phát triển Hệ thống Khu Bảo tồn Biển Việt Nam do Danida tài trợ sẽ giúp việc thành lập khu bảo tồn biển thử nghiệm thứ hai là Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, đến nay việc phân cấp pháp lý và thể chế để xây dựng một hệ thống các khu bảo tồn biển quốc gia vẫn chưa hoàn tất.

Kết luận

Đến nay, Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể trong mục tiêu xây dựng các hệ thống các khu bảo vệ có đầy đủ đại diện về mặt đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên của quốc gia. Trong tương lai, các hệ thống khu bảo vệ này sẽ còn phát triển cả về mặt phạm vi địa lý và phân cấp quản lý. Đặc biệt, trong vài năm tới, chúng ta hy vọng sẽ có các hệ thống khu bảo vệ mới như các khu bảo tồn biển và các khu bảo vệ đất ngập nước. Quá trình mở rộng này sẽ xảy ra cùng với các thay đổi về thể chế trong các ngành lâm nghiệp, thủy sản và môi trường. Chúng tôi hy vọng cuốn Sách Thông tin này sẽ đóng vai trò thước đo để đánh giá tiến trình cũng như là cung cấp thông tin cơ sở cho các bước tiếp theo.

Tài liệu tham khảo

ADB (1999) Draft coastal and marine protected areas plan. Hanoi: Asian Development Bank.

Azimi, A., Knowland, W., Carew-Reid, J., Ruzicka, I. and Zola, A. (2000) Environments in transition: Cambodia, Lao PDR, Thailand, Viet Nam. Manila: Asian Development Bank Programs Department (West).

BirdLife International (2001) Threatened birds of Asia: the BirdLife International red data book. Cambridge, U.K.: BirdLife International.

Chou, L. M. (2000) Southeast Asian reefs: status update Cambodia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand and Vietnam. In: C. Wilkinson ed. Status of coral reefs of the world: 2000. Australian Institute of Marine Science.

Chính phủ CHXHCN Việt Nam/ Quỹ Môi trường Toàn cầu (1994) Kế hoạch hành động đa dạng sinh học Việt Nam. Hà Nội: Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Quỹ Môi trường Toàn cầu.

Cục Kiểm Lâm (1998). Danh sách rừng đặc dụng Việt Nam: quy hoạch đến năm 2010. Danh sách soạn thảo đệ trình chính phủ. Cục Kiểm lâm

Collar, N. J., Crosby, M. J. and Stattersfield, A. J. (1994) Birds to watch 2: "Danh sách các loài chim bị đe doạ Thế giới". Cambridge, U.K.: BirdLife International.

FPD (2003) "The list of protected areas of Vietnam: planning up to the year 201". Unpublished draft submission to government.

Government of SRV/GEF (1994) Biodiversity action plan for Vietnam. Hanoi: Government of the Socialist Republic of Vietnam and the Global Environment Facility.

IUCN (1994) Guidelines for protected area management categories. Gland: IUCN.

MOSTE/NEA (2000). Chiến lược Bảo vệ và Phát triển bền vững Đất ngập nước Việt Nam, (Bản thảo). Hà Nội, Việt Nam. 2000.

NEA/IUCN (2000) Draft environmental action plan 2001-2005. Hanoi: National Environment Agency and IUCN.

Nguyen Chu Hoi (2000) The current status and management mechanisms of marine protected areas in Vietnam. In: Ministry of Planning and Investment/Danida. Proceedings from Workshop on the Integrated Coastal Zone Management Initiative for Marine Protected Areas in Vietnam, Hanoi, 22 November 2000. Draft. Hanoi: Ministry of Planning and Investment/Danida.

Nguyễn Chu Hồi, Nguyễn Huy Yết và Đặng Ngọc Thanh eds. (1998) Cơ sở khoa học cho việc quy hoạch các khu bảo tồn biển. Hải Phòng: Viện Hải dương học Hải Phòng.

Nguyễn Chu Hồi, Nguyễn Huy Yết, Nguyễn Văn Tiến, Lưu Văn Diệu, Đỗ Công Thung, Trần Đức Thanh và Phạm Văn Lượng (2000) Tình trạng môi trường biển và ven biển Việt Nam năm 2000. Báo cáo hàng năm của Viện Hải dương học Hải Phòng trình Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.

Nguyễn Huy Yết và Võ Sĩ Tuấn (1995) Thông tin về các khu bảo tồn biển đề xuất ở vùng ven biển Việt Nam. Hải Phòng: Viện Hải dương học Hải Phòng.


Click here to download pdf file