Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt

Câu chuyện về Gà lôi lam mào trắng

Hinh 1_2Gà lôi lam mào trắng | Nguồn Don Butler

Khuôn mặt viền trắng của lũ Chà vá chân nâu lấp ló dưới tán rừng Khe Nước Trong (Lệ Thủy, Quảng Bình). Từ xa, tiếng Vượn đen má trắng vang lên thánh thót trong buổi sáng tinh mơ yên ả. Lang thang trên mặt đất là Mang lớn, Mang Trường sơn, và Saola – tất cả mới chỉ được khoa học biết đến từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Những loài này cùng nhiều loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao khác vẫn hiện hữu nơi đây, một viên ngọc quý về đa dạng sinh học trên trái đất.

Nhưng Khe Nước Trong, cũng như nhiều khu rừng khác của Việt Nam, không còn là thiên đường nguyên sơ nữa. Loài Gà lôi lam mào trắng (Gà lôi lam) đặc hữu ở rừng đất thấp miền Trung Việt Nam, đã không xuất hiện trong tự nhiên từ năm 2000.

Loài trĩ xinh đẹp này, con trống lông màu xanh lam lấp lánh, mặt đỏ với mào trắng nổi bật, rất hiếm trong tự nhiên, chuyên sống ở rừng ẩm thường xanh trên đất thấp. Gà lôi lam được mô tả lần đầu tiên năm 1896, sau đó được các nhà điểu học người Pháp ghi nhận trong những năm 1920 – 1930, rồi “biến mất” hơn 60 năm, đến năm 1996 mới tái xuất, và gần như ngay sau đó lại “bặt vô âm tín”.

Điều này cũng không quá bất ngờ, bởi vì vùng phân bố của Gà lôi lam với trung tâm là tỉnh Quảng Trị, đã bị tàn phá nặng nề sau cuộc chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Sau đó, dân số và nhu cầu đất nông nghiệp ngày càng tăng lại thu hẹp hơn nữa diện tích sinh cảnh phù hợp cho Gà lôi lam. Nhiều khu rừng, mặc dù trông có vẻ nguyên sơ, nhưng hầu như vắng bóng chim, thú do nạn săn bẫy, buôn bán trái phép động vật hoang dã. Quần thể Gà lôi lam hoang dã giảm mạnh, phân mảnh, và có thể đã tuyệt chủng; các cá thể cuối cùng có lẽ đã là nạn nhân của những tuyến bẫy ngày đêm càn quét trong rừng.

Edwards's Pheasant, Lophura edwardsi, standing in front of white background

Gà lôi lam mào trắng tại Vườn thú Mulhouse, Pháp | Nguồn Eric Isselee

 May mắn thay, trong những năm 1920-1930, các nhà điểu học đã chuyển ít nhất 14 cặp Gà lôi lam về Pháp. Quần thể xa xứ này phát triển tốt, và hiện hơn 1.000 con đang được nuôi tại các vườn thú, trong đó có Vườn thú Hà Nội, và các bộ sưu tập trên thế giới. Một số cá thể không còn thuần chủng, nhưng các nhà khoa học đang tập trung quản lý, bảo tồn tốt nhất nguồn gen hiện có và lên kế hoạch nhân nuôi bán hoang dã loài này. Việc nhân nuôi cần ít nhất từ năm đến bảy năm. Nếu thành công, những cá thể đó có thể được thả lại tự nhiên, trở thành quần thể hoang dã mới hoặc bổ sung cho các quần thể còn sót lại.

Dĩ nhiên, môi trường hoang dã phải được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận Gà lôi lam. Hiện nay, các nhà bảo tồn vẫn đang gắng sức tìm kiếm Gà lôi lam trong tự nhiên, đồng thời bảo vệ sinh cảnh phù hợp còn lại. Một trong các mối đe dọa lớn nhất đối với việc tái thả động vật hoang dã chính là tình trạng săn bẫy, vì vậy Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt đang cùng với các đối tác tập trung ngăn chặn săn bẫy tại các khu vực quan trọng đối với Gà lôi lam mào trắng, như Khe Nước Trong, Bắc Hướng Hóa, Đăkrông, Phong Điền và Kẻ Gỗ.

Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt cũng dự kiến xây dựng trạm nhân nuôi bảo tồn Gà lôi lam đầu tiên ở Việt Nam, kết hợp giáo dục môi trường, trên diện tích năm hécta tại tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, các chuyên gia quốc tế đang giúp tuyển chọn đội ngũ gà bố mẹ tốt nhất cho chương trình nhân nuôi tại Việt Nam. Năm 2015, Vườn thú Hà Nội nhận thêm bốn con giống từ châu Âu để nhân giống với hậu duệ của con trống hoang dã duy nhất bắt được ngoài tự nhiên từ năm 1997.

Tuy nhiên, xây dựng nguồn giống bền vững chỉ là bước khởi đầu. Việc tái thả sẽ mất nhiều thời gian; chắc chắn chỉ một phần trong số Gà được thả ra có thể sống sót. Nhưng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt cùng các đối tác đã sẵn sàng cam kết lâu dài. Trong năm Đinh Dậu 2017, trạm nhân nuôi bảo tồn Gà lôi lam mào trắng đầu tiên sẽ được xây dựng, ban đầu chỉ với quy mô nhỏ, nhưng hy vọng đến năm Kỷ Dậu 2029, Gà lôi lam mào trắng sẽ có cơ hội sinh sôi và phát triển ngay trên chính quê hương mình.

Hinh 3_2Gà lôi lam mào trắng tại vườn thú Lyon, Pháp | Nguồn Emmanuelle Gaujour

Điều cốt lõi trong việc đưa loài chim hoang dã này về quê hương là việc bảo vệ và phục hồi rừng tại Việt Nam. Rừng cung cấp các dịch vụ cơ bản cho cuôc sống, không khí sạch, nước sạch và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng đối với Việt Nam, rừng còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế – nó gắn liền với sự trường tồn và vẻ đẹp độc đáo của cảnh quan và nền văn hóa Việt. Một trong các biểu tượng cho sự tồn tại kiên cường đó là hình ảnh một loài chim xinh đẹp, có bộ lông lấp lánh xanh, sung sướng tận hưởng những cơn mưa nhiệt đới mang lại sự sống cho muôn loài!

Nguồn: Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt (Tháng 5, 2017)

– Bài đăng trên Tạp chí của hàng không quốc gia Việt Nam